Hội nghị Á – Âu về việc sử dụng và lưu giữ nguồn tài nguyên cây trồng
Nguồn tài nguyên cây trồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống con người. Sự bùng nổ dân số cùng quá trình thay đổi môi trường, khí hậu trên trái đất làm cho nguồn tài nguyên cây trồng đang trở nên cạn kiệt. Do vậy việc lưu giữ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên cây trồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, đặc biệt các quốc gia đang phát triển.
Trong khuôn khổ dự án Diverseed, từ 2 đến 5 tháng 9 năm 2008, Viện thực vật - Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc kết hợp với Diverseed tổ chức “Hội nghị quốc tế lần thứ hai chuyên đề về sử dụng và lưu giữ nguồn tài nguyên cây trồng Á – Âu” tại Côn Minh, Trung Quốc. Tham gia hội nghị gồm các nhà khoa học nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên cây trồng của các nước Anh, Áo, Ixraen, Đức, Trung Quốc, Thái Lan, Cămpuchia, Myanmar và Việt Nam. Thực trạng lưu giữ và sử dụng nguồn gen cây trồng của các nước khu vực châu Á; một số giải pháp và kinh nghiệm của các nước trong việc sử dụng và lưu giữ nguồn tài nguyên cây trồng được trao đổi tại hội nghị.
Bảo hộ giống cây trồng (bảo hộ quyền tác giả giống cây trồng) đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và sử dụng nguồn tài nguyên cây trồng. Thực hiện bảo hộ giống cây trồng tạo điều kiện cho nông dân trở thành tác giả giống cây trồng và điều này đóng góp lớn vào việc bảo tồn và sử dụng nguồn tài nguyên cây trồng. Mặt khác, việc cung ứng giống đối với các giống được sử dụng với số lượng nhỏ phù hợp với địa phương do nông dân địa phương cung cấp góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Điều này rất có ý nghĩa với các giống thích ứng ở phạm vi nhỏ khi các công ty giống ít quan tâm do thu ít lợi nhuận. Bảo hộ giống cây trồng khuyến khích chọn tạo và phát triển giống mới với việc sử dụng giống được biết đến rộng rãi cũng như các loài cây hoang dại làm vật liệu lai tạo giống mới là một biện pháp hữu hiệu trong bảo tồn và sử dụng nguồn gen cây trồng. Một số giải pháp như xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp cổ truyền cũng là những công cụ khuyến khích nông dân chú trọng tới việc lưu giữ và sử dụng các giống địa phương.
Hội nghị là cơ hội tốt tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà khoa học, những nhà hoạch định chính sách liên quan đến sử dụng và lưu giữ nguồn tài nguyên cây trồng giữa hai châu lục Á – Âu. Điều này góp phần vào việc trao đổi nguồn gen cây trồng giữa hai châu lục nhằm thúc đẩy việc sử dụng nguồn tài nguyên cây trồng phục vụ lợi ích cộng đồng. Các báo cáo tham luận trong hội nghị là những kinh nghiệm tốt về lưu giữ và sử dụng nguồn tài nguyên cây trồng khi nhân loại mới chỉ sử dụng một số lượng nhỏ các loài cây trồng phục vụ cuộc sống.
Nguyễn Thanh Minh - Văn phòng BHGCT, Cục Trồng trọt