Tổ chức các khóa đào tạo về bảo hộ giống cây trồng tại các quốc gia mới hình thành hệ thống bảo hộ giống cây trồng trong khu vực bằng sự trợ giúp của các quốc gia có kinh nghiệm là một trong những nội dung cơ bản được thảo luận tại Diễn đàn bảo hộ giống cây trồng Châu Á tổ chức tại TOKYO tháng 7 năm 2008.

Để thực hiện bảo hộ giống cây trồng một cách hiệu quả ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong khuôn khổ “Diễn đàn bảo hộ giống cây trồng khu vực Châu Á”, từ ngày 4 đến 6 tháng 11 năm 2008, một khóa đào tạo cho các cán bộ khảo nghiệm DUS các nước trong khu vực được tổ chức tại Lembang, Indonesia. Học viên đến từ các quốc gia đang nỗ lực xây dựng và phát triển hệ thống bảo hộ giống cây trồng khu vực gồm nước chủ nhà Indonesia, Phillippines, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Brunei, Malaixia, Khóa đào tạo được tổ chức bằng nguồn tài trợ của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản với sự tham gia giảng dạy của các giảng viên của Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Việt Nam. Các nội dung về bảo hộ giống cây trồng, khảo nghiệm DUS theo Công ước UPOV, phương pháp theo dõi các tính trạng cho một số cây trồng…, đã được trình bày tại khóa đào tạo nhằm cung cấp cho các học viên những kiến thức cơ bản để có điều kiện thực thi một hệ thống bảo hộ giống cây trồng khu vực hiệu quả.

Tiếp đó trong ngày 7/11/2008, Hội thảo về bảo hộ giống cây trồng đã được tổ chức tại Jakarta với sự hợp tác của Cơ quan UPOV, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản và Bộ Nông nghiệp Indonesia bằng nguồn tài trợ của APEC. Thực trạng bảo hộ giống cây trồng của các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, những giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho công tác bảo hộ giống cây trồng khu vực đã được đại diện các quốc gia trình bày tại Hội thảo.
Trong xu thế hội nhập, việc nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống cây trồng mới không còn giới hạn ở mỗi quốc gia do vậy việc hình thành một hệ thống bảo hộ giống cây trồng khu vực là xu thế tất yếu. Trong tương lai, một Cơ quan bảo hộ giống cây trồng khu vực sẽ là một cơ hội để các nước có điều kiện thực thi công tác bảo hộ giống cây trồng một cách có hiệu quả. Việc hài hòa hóa hệ thống bảo hộ giống cây trồng ở các quốc gia sẽ thúc đẩy nhanh quá trình này và điều đó khuyến khích mạnh mẽ công tác chọn tạo và phát triển giống cây trồng mới phục lợi ích cộng đồng.